Những nhà sản xuất ôtô đang phụ thuộc vào doanh số của một dòng xe chủ lực có thể kể đến VinFast, Mitsubishi hay Ford.

Có một khái niệm mới dần hình thành và trở nên phổ biến ở thị trường ôtô Việt Nam trong vài năm trở lại đây, đó là “thương hiệu một dòng xe”. Điều này ám chỉ những hãng ôtô đang phải phụ thuộc vào doanh số của một sản phẩm chủ lực, và những cái tên này thường có doanh số áp đảo các dòng xe khác trong cùng thương hiệu.

Hiện nay, có 3 dòng xe thể hiện rõ rệt nhất vai trò “gánh vác” tình hình kinh doanh cho cả công ty là VinFast Fadil, Mitsubishi Xpander và Ford Ranger.

VinFast Fadil

Mẫu xe hạng A Việt Nam đang gây bất ngờ lớn khi nắm giữ vị trí ôtô bán chạy nhất Việt Nam sau 7 tháng với doanh số hơn 13.000 chiếc, xếp trên cả Toyota Vios (10.967 chiếc) và Hyundai Accent (10.932 chiếc).

Fadil cũng bỏ xa các đối thủ như Hyundai Grand i10 (7.152 xe), Kia Morning (2.467 xe)… Còn xét riêng trong “gia đình” VinFast, Fadil đóng góp đến 66,2% doanh số, cao gấp 3 lần Lux A2.0 (4.031 xe) và gần gấp 5 lần Lux SA2.0 (2.634 xe).

Thực tế, giá bán đề xuất của VinFast Fadil thuộc diện cao nhất phân khúc A, dao động 425-499 triệu đồng. Tuy vậy, hãng xe Việt Nam thường xuyên áp dụng các chính sách ưu đãi giá bán cho mẫu xe hạng A này.

Điều này vừa giúp VinFast thu hút được khách hàng, vừa giúp Fadil có được mức giá cạnh tranh trước các dòng xe cùng hạng là Hyundai Grand i10 2021 (360-435 triệu đồng), Kia Morning (từ 439 triệu đồng), Honda Brio (418-454 triệu đồng) và Toyota Wigo (352-385 triệu đồng).

Ưu điểm nổi bật của VinFast Fadil là thông số vận hành nhỉnh hơn các đối thủ với động cơ xăng 1.4L (98 mã lực, 128 Nm), trang bị tiêu chuẩn hộp số CVT và có danh sách an toàn tốt với hệ thống chống lật, cân bằng điện tử, kiểm soát lực kéo, 6 túi khí (bản Cao cấp)…

Nhược điểm lớn nhất của VinFast Fadil chính là không gian sử dụng tương đối chật hẹp hơn các đối thủ trong cùng phân khúc.

Mitsubishi Xpander

Trước khi Xpander xuất hiện tại Việt Nam vào năm 2018, Mitsubishi từng có thời gian dài loay hoay với các sản phẩm kén khách, doanh số cầm chừng như Outlander, Pajero Sport hay Triton. Mitsubishi Xpander không chỉ mang đến sức sống mới cho hãng xe Nhật Bản mà còn thay đổi cục diện của nhóm MPV 7 chỗ dưới 1 tỷ đồng khi vượt mặt Toyota Innova.

Thành công của Xpander phần nào đó đến từ việc mẫu xe này đáp ứng được nhu cầu cho nhóm khách hàng mua xe để sử dụng cho gia đình cũng như chạy xe dịch vụ.

Tính đến cuối tháng 7, Xpander đạt doanh số tích lũy 8.269 chiếc, chiếm hơn 1/2 lượng xe tiêu thụ của Mitsubishi Việt Nam (15.989 chiếc). Mẫu xe có doanh số tốt thứ 2 trong phân khúc là Suzuki XL7 kém xa Xpander khi bán được 2.589 chiếc, tiếp theo là Toyota Innova (1.811 xe), Toyota Rush (1.781 xe) Suzuki Ertiga (902 xe), Kia Rondo (324 xe)…

Trong vài tháng qua, Mitsubishi Xpander thường xuyên được nhà sản xuất áp dụng khuyến mại tặng phí trước bạ hoặc tặng quà trị giá vài chục triệu đồng để kích cầu.

Ngoài khó khăn chung của thị trường, động thái này còn đến từ việc mức giá của Xpander (555-630 triệu đồng) và Xpander Cross (670 triệu đồng) bất lợi hơn khi so sánh với Ertiga (500-560 triệu đồng), XL7 (590-600 triệu đồng) hay Rush (634 triệu đồng).

Ngoại hình bắt mắt và nội thất tiện dụng được xem là ưu thế giúp Xpander xây dựng được vị thế vững chắc hiện nay, tuy nhiên công thức thành công của Mitsubishi đang được Suzuki học hỏi khá hiệu quả. Bằng chứng là XL7 đang có doanh số tăng trưởng ổn định trong năm 2021 và ít nhiều ảnh hưởng đến thị phần của Xpander.

Trường hợp của XL7 cũng gần tương tự Xpander khi mẫu xe này đang là sản phẩm thành công nhất của Suzuki tại Việt Nam. Với gần 2.600 xe bán ra sau 7 tháng, Suzuki XL7 đóng góp đến 62,7% doanh số ôtô du lịch của hãng xe Nhật Bản, số còn lại thuộc về Ertiga, Swift (332 xe) và Ciaz (302 xe).

Ở đợt nâng cấp facelift cách đây một năm, Mitsubishi Xpander vẫn giữ lại cấu hình động cơ 1.5L, đi cùng hộp số sàn 5 cấp hoặc số tự động 4 cấp. Thông số vận hành của mẫu xe đa dụng ở mức ổn với công suất 104 mã lực và mô-men xoắn 141 Nm. Điểm hạn chế ở mục an toàn là xe chỉ có 2 túi khí và không trang bị cảm biến lùi.

Ford Ranger

Nhắc đến xe bán tải, Ford Ranger có lẽ là cái tên đầu tiên xuất hiện trong tâm trí của người dùng Việt Nam. Mẫu pick-up Mỹ trong thập kỷ qua đã từng bước xây chắc vị trí của mình, bất chấp các nỗ lực cạnh tranh của Toyota Hilux, Mitsubishi Triton, Nissan Navara, Mazda BT-50, Isuzu D-max hay Chevrolet Colorado.

Trong bối cảnh các dòng xe “anh em” như EcoSport, Explorer hay Everest suy giảm doanh số, Ranger vẫn giữ vững phong độ và là cái tên bán tốt nhất của Ford Việt Nam trong nhiều năm liền.

Sau tháng đầu tiên của quý III/2021, Ford Ranger ghi nhận doanh số cộng dồn 8.222 xe, tương đương 65,3% doanh số ôtô du lịch của hãng xe Mỹ. Kết quả này cũng giúp Ranger áp đảo các đối thủ khi Hilux bán được 2.300 xe, Triton đạt doanh số 1.694 xe, BT-50 tiêu thụ 698 xe hay D-max bán 82 xe.

Cách đây một tháng, Ford Ranger được chuyển sang lắp ráp trong nước (CKD), phần nào tạo được sự chủ động về nguồn cung so với các đối thủ nhập khẩu từ Thái Lan. Dù vậy, điều này phần nào khiến Ranger bất lợi khi tâm lý khách hàng Việt vốn thích xe nhập khẩu hơn.

Ngoài ra, mức giá của các model Ranger CKD vẫn duy trì mức giá 616-925 triệu đồng, cao hơn Toyota Hilux (628-913 triệu đồng), Mitsubishi Triton (630-865 triệu đồng), Nissan Navara (748-945 triệu đồng), Mazda BT-50 2021 (659-849 triệu đồng) và Isuzu D-max (630-850 triệu đồng).

Bên cạnh thương hiệu nổi bật, Ford Ranger được đánh giá cao nhờ thiết kế nam tính và cabin hiện đại, nhiều tính năng an toàn và đáp ứng được nhu cầu sử dụng đa dạng của khách hàng. Xe hiện có 2 tùy chọn động cơ diesel tăng áp gồm 2.2L hoặc 2.0L, đi cùng hộp số sàn 6 cấp, số tự động 6 cấp hoặc hộp số tự động 10 cấp.

BISONIC News

Rate this post

Để lại bình luận

Your email address will not be published. Required fields are marked *